Tra cứu thông tin bệnh nhân
Mã bệnh nhân bao gồm 7 đến 9 chữ số
Họ và tên
Họ và tên lót phải nhập Tiếng Việt có dấu
Tên phải nhập Tiếng Việt có dấu
Năm sinh bao gồm 4 chữ số. Ví dụ: 1990

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại tỉnh Đồng Nai

Tính đến đến giữa tháng 9/2015 cả nước đã có hơn 30.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), dịch SXH đã bùng phát tại 50 tỉnh thành trên cả nước với 18 ca tử vong, bệnh đã tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt bệnh tập trung tăng một số tỉnh thuộc khu vực phía Nam, các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, BR-VT, Long An, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp đang là điểm nóng SXH. Đặc biệt Đồng Nai, từ đầu năm 2015 đến thời điểm kiểm tra, trên địa bàn ghi nhận trên 4.533 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 1,63 lần so với cùng kỳ năm 2014, có 2 ca tử vong. Có 9/11 huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn có các ổ dịch SXH. Địa phương có số ca mắc SXH cao tập trung chủ yếu ở khu vực có đông dân nhập cư và nhiều khu công nghiệp, như: TP. Biên Hòa, Trảng Bom, Tân Phú. Trong đó, TP. Biên Hòa có số ca mắc cao nhất, chiếm hơn 40% số ca mắc SXH của toàn tỉnh.

Trước tình hình bệnh SXH gia tăng. Ngày 18/9, Đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì, tháp tùng Thứ trưởng có Lãnh đạo các Cục/Vụ/Viện: Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Văn phòng Bộ Y tế tại TP. HCM, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Sốt rét - KST - CT TP.HCM và phóng viên các báo, đài trên cả nước; Tiếp và làm việc có ông Hà Minh Trí - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Lãnh đạo Sở Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch và các đơn vị liên quan khác.

Buổi sáng, đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khu phố 4, phường Trảng Dài, TP. Biên Hoà, một trong những nơi có số ca mắc SXH cao nhất. Tại đây đoàn kiểm tra 03 hộ dân trong phường phát hiện trong các lọ hoa cúng, bể chứa nước và những vật dụng chứa nước đọng đều có lăng quăng ở nhiều độ tuổi khác nhau, sau lời thăm hỏi và chia sẻ những hiểu biết của hộ dân cho thấy ý thức về diệt lăng quăng, cũng như hiểu về tác nhân gây dịch SXH vẫn còn yếu trong một số bộ phận người dân. Bên cạnh đó đoàn nhận thấy tại phường Trảng Dài vẫn còn có những khu đất trống có rất nhiều phế thải chứa nước xuất hiện lăng quăng và muỗi, dân số ở địa bàn này khá đông trên 75.000 dân phần lớn là dân nhập cư làm công nhân ở các khu công nghiệp, với nhiều nhà trọ. Do đặc thù công việc của công nhân làm từ sáng đến tối, việc xử lý phun xịt hóa chất diệt muỗi của ngành y tế gặp khó khăn. Với diễn biến phức tạp về thời tiết như hiện nay, nhất là đang mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong phòng, chống SXH còn thấp, mặc dù y tế đã tổ chức 5 đợt ra quân dập dịch nhưng SXH vẫn tăng. Điều này lý giải vì sao, trong những tuần gần đây, số ca mắc SXH tại phường Trảng Dài tăng mạnh.

Đoàn công tác làm việc tại khu phố 4, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa

Tiếp đó, đoàn ghé thăm Bệnh viện Nhi tỉnh Đồng Nai. Theo ThS.BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 2.100 ca khám SXH thì chỉ riêng trong tháng 8 có 1.000 ca, trong đó có 170 ca nặng. Riêng trong ngày 18/9/2015, trong tổng số 90 ca SXH đang điều trị thì có 20 ca nặng. Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc chỉ 25 giường nhưng có 35 bệnh nhi.

Trong buổi chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp khẩn cấp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh Đồng Nai với sự tham dự ông Hà Minh Trí - Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan. Thay mặt ban chỉ đạo, bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các địa phương đã nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế đối với công tác phòng, chống dịch SXH; có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở y tế với các ban ngành đoàn thể, hệ thống truyền thông (phát thanh, truyền hình, phát tờ rơi…) tuyên truyền công tác phòng, chống dịch SXH sâu rộng trong nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề còn tồn tại trong công tác phòng, chống dịch SXH.

Phát biểu chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao và ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, nỗ lực, phối hợp của các sở ban ngành trong việc phòng chống dịch bệnh SXH. Thứ trưởng nhận định, từ nay đến cuối năm, dịch bệnh SXH sẽ còn tiếp tục tăng cao. Thứ trưởng đề nghị Đồng Nai tổ chức một đợt cao điểm phòng chống SXH ngay trong tháng 9, nếu không số ca mắc bệnh sẽ tiếp tục tăng cao và gây khó khăn cho công tác điều trị vốn đã quá tải. Thứ trưởng nhấn mạnh, đối với dịch bệnh SXH không thể trông chờ vào việc phun hóa chất hay các phương pháp điều trị của ngành y tế mà phải thực hiện bằng các giải pháp xã hội. UBND tỉnh Đồng Nai phải tăng cường chỉ đạo chính quyền địa phương trong phòng chống dịch bệnh, nhất là Ban chỉ đạo phòng chống dịch cơ sở; huy động tất cả lực lượng ban ngành, đoàn thể, lực lượng cộng tác viên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, giải pháp đơn giản mà hiệu quả nhất là diệt lăng quăng.

Đoàn công tác làm việc tại UBND tỉnh Đồng Nai

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Trí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cảm ơn sự quan tâm của Thứ trưởng và Đoàn giành thời gian đến làm việc và chỉ đạo kịp thời cho ban chỉ đạo phòng chống dịch. Đồng chí hứa tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng và trực tiếp chỉ đạo UBND các cấp, ngành y tế triển khai ngay những nội dung đoàn công tác yêu cầu.