Tra cứu thông tin bệnh nhân
Mã bệnh nhân bao gồm 7 đến 9 chữ số
Họ và tên
Họ và tên lót phải nhập Tiếng Việt có dấu
Tên phải nhập Tiếng Việt có dấu
Năm sinh bao gồm 4 chữ số. Ví dụ: 1990

Bộ trưởng Bộ Y tế: Phòng chống zika, bảo vệ sức khoẻ người dân là nhiệm vụ hàng đầu

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc phòng chống dịch bệnh do vi rút zika xâm nhập và lây lan vào Việt Nam, bảo vệ sức khoẻ người dân là nhiệm vụ hàng đầu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút zika trên thế giới và nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, chiều ngày 30/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đến thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc zika, tuy nhiên trước diễn biến dịch bệnh phức tạp và căng thẳng, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc phòng chống d���ch bệnh do vi rút zika xâm nhập và lây lan vào Việt Nam, bảo vệ sức khoẻ người dân là nhiệm vụ hàng đầu.

Để làm được điều này, Bộ trưởng chỉ đạo trước hết cần tập trung vào việc đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân các biện pháp phòng chống dịch. Bộ trưởng nhấn mạnh: hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng chống dịch bệnh không chỉ phòng ngừa dịch bệnh do vi rút zika và sốt xuất huyết mà còn phòng chống nhiều dịch bệnh khác do muỗi truyền.

Việc truyền thông cũng phải hết sức lưu ý, tránh để người dân hoang mang, lo lắng và đổ xô đi xét nghiệm.

Tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, Bộ trưởng cũng lưu ý, việc lấy mẫu xét nghiệm và giám sát dịch bệnh cần có chỉ định cụ thể đối với đối tượng và địa bàn lấy mẫu, tập trung ở những nơi có nhiều khách du lịch, sân bay, bến cảng, các đối tượng là nhân viên phục vụ tại các khách sạn…


Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Bộ trưởng nhấn mạnh: Nên để cán bộ trung tâm y tế dự phòng quận, huyện thực hiện việc lấy mẫu vì họ là những người nắm rõ nhất về đối tượng và địa bàn nơi nào có nguy cơ cao.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai các hoạt động trọng tâm phòng chống dịch, cập nhật các tài liệu chuyên môn kỹ thuật của WHO về công tác giám sát và điều trị, hướng dẫn chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh zika…

Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới trong những tháng đầu năm tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 31/3/2016 đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Dịch bệnh lưu hành rộng tại các nước khu vực Nam Mỹ và Caribe như: Brazil (0,4-1,3 triệu trường hợp trong năm 2015), Colombia (55.724 trường hợp trong 5 tháng qua), Panama, Cabo Verde…

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đã có nhiều nước ghi nhận sự lưu hành của vi rút như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia…

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2016 đã ghi nhận thêm hơn 30 nước có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút zika.

Theo nhận định của WHO, dịch bệnh do vi rút zika sẽ tiếp tục lan rộng. WHO cũng khẳng định tình trạng dịch bệnh do vi rút zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế và cho rằng sự lan truyền của vi rút zika sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Đường lây truyền chính của vi rút zika theo các chuyên gia là do muỗi truyền, tuy nhiên tại 5 nước đã có bằng chứng cho thấy vi rút zika có thể lây truyền qua đường tình dục (tại Argentina, Pháp, Italia, New Zealand và Mỹ), đường truyền máu, truyền dịch và lây truyền từ mẹ sang con. Chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi rút zika qua sữa mẹ.

Ngoài ra, tại 3 quốc gia đã có báo cáo ghi nhận sự gia tăng của chứng đầu nhỏ có liên quan đến vi rút zika là Brazil (907 ca), French Polynesia (8 ca) và Panama (1 ca). Tại Mỹ và Slovenia cũng đã ghi nhận trường hợp mắc chứng đầu nhỏ từ bà mẹ về từ vùng dịch. 12 quốc gia có báo cáo gia tăng các trường hợp mắc hội chứng viêm đa rễ thần kinh (Guillain-Barré). Tuy nhiên, WHO cho rằng vẫn cần có thêm những bằng chứng khoa học để khẳng định chắc chắn mối liên quan này.

WHO cũng chưa đưa ra khuyến cáo nào về việc hạn chế đi lại và thương mại với các quốc gia đang có dịch.

Tình hình tại Việt Nam, cũng theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào xét nghiệm dương tính với vi rút zika. Từ đầu năm 2016 đến ngày 30/3/2016, hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, các viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur đã thu thập và xét nghiệm 784 mẫu tại 32 tỉnh, thành phố, kết quả đều âm tính với vi rút zika.

Trước đó, ngày 22/3/2016, Việt Nam cũng nhận được thông báo của WHO và Australia về trường hợp nhiễm vi rút zika sau khi trở về từ Việt Nam. Bệnh nhân này đến Việt Nam ngày 26/2 và xuất cảnh về Australia ngày 6/3, đến ngày 8/3 thì có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút zika. Trong thời gian ở Việt Nam, bệnh nhân này đã đi đến TP.HCM, Lâm Đồng, Khánh Hoà và Bình Thuận.

Cục Y tế dự phòng nhận định, nguy cơ dịch bệnh do vi rút zika xâm nhập vào nước ta và lây lan tại cộng đồng là hoàn toàn có thể do nước ta có sự giao thương, đi lại, du lịch rộng rãi với các quốc gia đang có dịch. Đồng thời, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại các địa phương cũng là loại muỗi truyền bệnh do vi rút zika. Phần lớn bệnh nhân nhiễm vi rút zika (80%) lại không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch. Trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch và người dân còn chưa tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng bọ gậy nên nếu vi rút zika xâm nhập vào nước ta dễ lây lan trên diện rộng.

 

Để chủ động phòng chống dịch, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp như: phát động chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tại các địa phương; tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, đáp ứng phòng chống dịch, đặc biệt tại các địa phương có nguy cơ cao, các cửa khẩu; giám sát các trường hợp bị chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh thông qua hệ thống sản nhi; tập huấn chuyên môn phòng chống dịch bệnh cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện và xã; phối hợp, chia sẻ thông tin với WHO, USCDC và các cơ quan đầu mối quốc gia các nước về tình hình dịch bệnh; bố trí các đội thường trực cơ động, sẵn sàng cấp cứu, xử lý ổ dịch khi có yêu cầu; triển khai các hoạt động truyền thông đa dạng về phòng chống vi rút zika; dự trữ sinh phẩm, hoá chất xét nghiệm vi rút zika…