Tra cứu thông tin bệnh nhân
Mã bệnh nhân bao gồm 7 đến 9 chữ số
Họ và tên
Họ và tên lót phải nhập Tiếng Việt có dấu
Tên phải nhập Tiếng Việt có dấu
Năm sinh bao gồm 4 chữ số. Ví dụ: 1990

CÚM MÙA H1N1

BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC HÓC MÔN

TỔ TRUYỀN THÔNG – GIÁO DỤC SỨC KHỎE

CÚM MÙA H1N1

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể gây biến chứng nặng và nguy hiểm như viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến  tử vong.

Các đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng nặng bao gồm:

  • Trẻ em: dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.

  • Người già trên 65 tuổi.

  • Phụ nữ có thai.

  • Người lớn mắc các bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường,…)

  • Người bị suy giảm miễn dịch (bệnh nhân đang điều trị thuốc chống ung thư, sHIV/AIDS)

Tại Việt Nam, tình hình nhiễm cúm H1N1 đang xuất hiện trở lại và gia tăng đáng báo động. Cuối tháng 5 vừa qua, một phụ nữ ở TP.HCM tử vong vì mắc cúm A/H1N1. Nhiều bệnh nhân khác bị cúm A/H1N1 cũng đã được phát hiện rải rác ở Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP.HCM…

Để đề phòng bệnh cúm lây lan, bệnh viện ĐKKV Hóc Môn thực hiện tuyên truyền các biện pháp phòng tránh như sau:

1. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.

2. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.

3. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện nghi ngờ cúm (*) thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

4. Những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

5. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm.

6. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

7. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

8. Đề phòng cúm một cách hữu hiệu nhất là đi tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm 1 lần để ngừa 95-97% nguy cơ mắc cúm, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ mắc cúm và dễ biến chứng nặng như phụ nữ mang thai, người bị các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch…

9. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

*Các triệu chứng nghi ngờ cúm:

  • Sốt

  • Triệu chứng hô hấp: đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.

  • Triệu chứng khác: đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy.

Nguồn tham khảo:

1/ Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H1N1) – Bộ Y tế - 2009

2/ Phác đồ bệnh viên Nhiệt Đới – 2014

3/ Tài liệu truyền thông của Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương