Tra cứu thông tin bệnh nhân
Mã bệnh nhân bao gồm 7 đến 9 chữ số
Họ và tên
Họ và tên lót phải nhập Tiếng Việt có dấu
Tên phải nhập Tiếng Việt có dấu
Năm sinh bao gồm 4 chữ số. Ví dụ: 1990

Tăng cường y tế cơ sở- Hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân

Suckhoedoisong.vn - Hôm nay 27/2- Kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ Y tể tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp với chủ đề: Tăng cường y tế cơ sở- Hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân. Đây cũng là một nội dung quan trọng về y tế mà Nghị quyết Trung ương 6 về tăng cường sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề cập.

80% trạm y tế khám chữa bệnh BHYT

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ở nước ta rộng khắp từ trung ương đến xã, phường đều bao phủ hệ thống y tế, thậm chí còn có cả y tế thôn bản thông qua hệ thống các cô đỡ thôn bản. Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế xã bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5 % trạm có bác sĩ khám chữa bệnh; 97% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hỏi thăm bệnh nhân đang điều trị tại trạm y tế xã Pha Long, huyện  Mường Khương tỉnh Lào Cai

Ngành y tế đang nỗ lực cùng các địa phương củng cố hệ thống tổ chức bộ máy mạng lưới y tế cơ sở theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả,  thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng (cả dự phòng và khám chữa bệnh) và quản lý trạm y tế xã.

Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến Trung ương với vai trò là chỉ đạo tuyến cũng đẩy mạnh việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở, thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế. Song song đó, ngành cũng đã triển khai dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn"; "Đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh thuộc miền Bắc và miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên theo chế độ cử tuyển". Xây dựng một số chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế cơ sở, đặc biệt tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Ngoài ra, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 39 quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở cũng chính là giải pháp về tăng cường chất lượng dịch vụ bằng tăng thêm danh mục dịch vụ kỹ thuật, tăng danh mục thuốc và tăng định mức chi trả.

Thăm khám cho người dân tại trạm y tế xã Đồng Tâm- huyện Lạc Thủy- Tỉnh Hòa Bình

“Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình. Một số trạm y tế xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… theo mô hình bác sĩ gia đình. Người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. Đến nay, đã triển khai khám chữa bệnh BHYT tại khoảng 80% tổng số trạm y tế”- Bộ trưởng cho biết.

Các bệnh viện, trung tâm y tế huyện được đầu tư nâng cấp, được chuyển giao kỹ thuật nên năng lực cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cũng như chất lượng dịch vụ được cải thiện. Một số bệnh viện huyện đã cung cấp được các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, do thực hiện bao phủ y tế mà các chỉ số liên quan đến sức khỏe của chúng ta đều đáng tự hào. Các chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn nhiều so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, đặc biệt trong việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

“Việt Nam là 1 trong 10 nước đạt mục tiêu thiên nhiên kỷ về sức khỏe bà mẹ trẻ em. Chúng ta đã khống chế và loại trừ thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm..." - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

 

Làm gì để y tế cơ sở phát huy đúng vai trò của "người gác cổng"?

Tăng cường hệ thống y tế cơ sở là một nội dung quan trọng về y tế mà Nghị quyết Trung ương 6 về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề cập. Theo đó, hệ thống y tế cơ sở phải quản lý, theo dõi sức khoẻ của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, hạn chế việc người dân phải nhập viện để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trò chuyện với cán bộ y tế của trạm y tế xã Hát Lìu- huyện Trạm Tấu- Tỉnh Yên Bái

Như vậy, trạm y tế nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh - đang phải đảm nhiệm nhiệm vụ rất quan trọng. Thế nhưng trên thực tế, nhiều trạm y tế  hiện chưa đảm đương được yêu cầu đề ra, khi thiết bị thì thiếu, còn nhân lực lại yếu.

Chính Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn cho rằng, thực tế cho thấy công tác y tế cơ sở vẫn còn không ít hạn chế đó là chất lượng dịch vụ y tế còn thấp; Năng lực hoạt động của các cán bộ y tế còn hạn chế; Danh mục thuốc ít, nghèo nàn và chi từ Quỹ BHYT cho người dân khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở còn hạn chế ... nên người dân không tin, không muốn đến với y tế cơ sở, phải vượt tuyến lên trên dẫn đến tốn kém quỹ BHYT va tốn kém tiền của người dân.

Bên cạnh đó, chúng ta còn lãng phí và dàn trải trong đầu tư xây dựng trạm y tế. Tại nhiều địa phương của miền núi diện tích rộng, xa trung tâm thì chỉ có mỗi một trạm y tế trong khi trạm này chưa được đầu tư thường xuyên nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thế nhưng nhiều xã phường ngay vùng đồng bằng sát cạnh bệnh viện huyện vẫn xây trạm y tế to trong khi không có bệnh nhân. Chính vì thế dẫn đến sự chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa người dân miền núi và vùng đồng bằng.

Các chuyên gia cho rằng tình trạng người dân ít sử dụng dịch vụ y tế ở tuyến xã sẽ dẫn đến "vòng xoáy suy giảm chất lượng điều trị". Dân ít đến thì y bác sỹ chuyên môn sẽ kém dần đi và trang thiết bị sẽ rơi vào nhanh hỏng và lãng phí. Sẽ là nghịch lý khi người dân đang vượt tuyến để điều trị các bệnh đơn giản.

"Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân là nội dung được thể hiện rõ trong các Nghị quyết TW về y tế vừa được ban hành. Vậy vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở để thu hút người dân đến thăm khám, để y tế cơ sở đúng với vai trò "người gác cổng" trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân "- Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra sổ quản lý khám bệnh tại Trạm y tế xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai

Ngày 19/12/2017, Bộ Y tế đã ban hành Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT thực hiện Đề án 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới (giai đoạn 2018- 2020). Bộ Y tế và hệ thống y tế đã và đang rất nỗ lực, tích cực để triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 2348/NQ-CP về tăng cường y tế cơ sở với nhiều giải pháp đồng bộ như đổi mới và tăng cường hoạt động của y tế cơ sở gắn với bao phủ sức khỏe toàn dân từ đào tạo nhân lực, đến đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng chính sách đổi mới cơ chế tài chính theo hướng ưu tiên y tế cơ sở.

Đồng thời, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân nhận thức được cần phải đến cơ sở y tế gần mình nhất để thực hiện chăm sóc, theo dõi sức khỏe từ khi chưa bị bệnh theo nguyên lý y học gia đình.

Tiến hành xây dựng mô hình điểm 26 trạm y tế xã tại 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Long An, Khánh Hòa và Lâm Đồng để tăng cường năng lực y tế cơ sở.

Thái Bình

Nguồn tin : Báo SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG