Những biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản
Sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ có vai trò rất to lớn, trong việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng được cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe một cách kĩ lưỡng....
Sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ có vai trò rất to lớn, trong việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng được cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe một cách kĩ lưỡng.
Dưới đây là 6 cách chăm sóc sức khoẻ sinh sản mà bạn gái nên thực hiện:
1. Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp
Chị em nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn biện pháp tránh thai phù hợp với cơ thể mình. Bạn cũng không nên quá lạm dụng thuốc tránh thai vì nó có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến cơ thể như tăng cân, stress, thay đổi tâm trạng thất thường. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu các biện pháp tránh thai khác như đặt vòng, màng silicone,…
2. Quan hệ tình dục an toàn
Bạn không nên mất cảnh giác khi quan hệ, ngay cả khi bạn hoàn toàn chắc chắn rằng đối tác của bạn là ai. Hãy nhớ rằng cách bảo vệ tốt nhất cho bạn, giúp chống lại bệnh tật, các bệnh lây truyền qua đường tình dục - là một bao cao su.
Vì vậy, nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng đáng ngờ, ngay lập tức tham khảo ý kiến một bác sỹ. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp nhất hiện nay là bệnh lậu với dấu hiệu chủ yếu là khí hư cùng đái dắt, đái buốt; bệnh giang mai với triệu chứng chính là vết loét sinh dục; bệnh mụn rộp sinh dục với các nốt bọng nước mọc tại đường sinh dục (nam và nữ) hoặc các bộ phận khác của cơ thể; bệnh viêm gan virut B, C; bệnh viêm âm đạo, niệu đạo do trùng roi với tình trạng ngứa, nhiều khí hư...
Hiện nay nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể chữa khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng với các bệnh do các loại vi khuẩn gây nên. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe sinh sản trong tương lai, các em cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
3. Khám phụ khoa định kỳ
Khám phụ khoa định kỳ là một việc cần thiết để phụ nữ bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của chính mình. Nếu được thăm khám định kỳ, bệnh nhân và bác sỹ sẽ chủ động việc phát hiện bệnh, nhờ đó việc điều trị sẽ dễ dàng và không bị tốn kém.
Đối với những phụ nữ đã sinh đẻ, phụ nữ trên 35 tuổi và đang thời kỳ tiền mãn kinh thì việc khám phụ khoa định kỳ còn giúp bạn ngăn ngừa và phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục.
Dù không có triệu chứng gì thì bác sĩ cũng khuyên chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ ít nhất 1 lần/năm, còn đối với những người có tiền sử mắc bệnh phụ khoa thì 6 tháng/lần. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm như: soi tươi, nhuộm và cấy huyết trắng, siêu âm, soi cổ tử cung và nhất là phết tế bào âm đạo Pap smear để chẩn đoán sớm bệnh lý ung thư cổ tử cung.
4. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng
Nắm rõ chu kỳ kinh nguyệt của mình là một trong những cách hữu ích nhất để chăm sóc sức khỏe sinh sản. Khi bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc khó chịu mà không rõ nguyên nhân, hãy kiểm tra lịch ngay vì rất có thể bạn sắp đến những ngày “đèn đỏ”. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa kỳ kinh nguyệt và nguy cơ vô sinh cũng là vấn đề mà bạn nên tìm hiểu và quan tâm.
5. Uống nhiều nước
Lời khuyên dành cho phụ nữ là nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh. Tình trạng âm đạo khô có thể là do chị em bị thiếu nước, dẫn đến những khó chịu trong quan hệ tình dục và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vùng kín.
6. Cải thiện các triệu chứng tiền kinh nguyệt
Thay đổi chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe, nhất là trong kỳ kinh nguyệt sẽ giúp chị em giảm bớt đi những cơn đau đớn do thay đổi nội tiết tố. Đặc biệt hạn chế sử dụng chất kích thích, cafein, đồ ăn mặn, nhiều dầu mỡ,… để cơ thể không bị khó chịu bạn nhé.