Tra cứu thông tin bệnh nhân
Mã bệnh nhân bao gồm 7 đến 9 chữ số
Họ và tên
Họ và tên lót phải nhập Tiếng Việt có dấu
Tên phải nhập Tiếng Việt có dấu
Năm sinh bao gồm 4 chữ số. Ví dụ: 1990

DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

BỆNH VIỆN ĐA KHOA

KHU VỰC HÓC MÔN

KHOA DINH DƯỠNG – TIẾT CHẾ

DINH DƯỠNG HỢP LÝ CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

  • Đái tháo đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate khi hormone insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. Bệnh là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh nguy hiểm, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, đục thủy tinh thể, suy thận,…

Vì sao chế độ dinh dưỡng lại đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị của bệnh nhân đái tháo đường?

  • Chất bột đường hay glucid là một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể. Thành phần glucid trong khẩu phần ăn chiếm tỷ lệ khá cao từ 55-65% ở chế độ ăn thông thường. Chất bột đường sau khi vào cơ thể được chuyển hóa thành glucose, tạo ra năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể, giúp con người có đủ sức khỏe để làm việc.

  • Ở người bệnh ĐTĐ, do khiếm khuyết cơ chế chuyển hóa glucid dẫn tới tình trạng không cung cấp đủ glucose cho tế bào hoạt động và gây tăng lượng đường trong máu.

  • Việc cung cấp chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường với mục đích nhằm đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể điều chỉnh tốt đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động.

Những loại thực phẩm nào tốt và không tốt cho bệnh nhân đái tháo đường?

  • Khi chọn lựa thực phẩm, người bệnh đái tháo đường nên chú ý đến chỉ số đường huyết của thực phẩm (GI) để lựa chọn thức ăn phù hợp cho mình. Chỉ số GI được xếp theo bậc từ 0-100. Trong đó, nếu thực phẩm có chỉ số GI càng cao, thì khả năng làm tăng đường huyết sau ăn càng cao.

  • Nhóm thực phẩm có GI thấp (<= 55): các loại rau cải xanh, các loại trái cây không ngọt như bưởi, mận, táo, lê, cam, chanh,….Với những thực phẩm này thì người bệnh ĐTĐ sử dụng không cần hạn chế. Sau khi ăn vào, các thức ăn này này giúp hấp thu đường vào trong máu chậm hơn, nhờ vậy lượng đường huyết sau ăn tăng chậm và ổn định nên không gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nhóm thực phẩm có chỉ số GI trung bình (56-69) là thực phẩm gây tăng đường huyết ở mức trung bình, người bệnh chỉ nên sử dụng ở mức vừa phải .Vd: khoai lang, bí đỏ , chuối, xoài ngọt,…

Nhóm thực phẩm có chỉ số GI cao (≥ 70) là loại thực phẩm có khả năng gây tăng đường huyết cao sau ăn, người bệnh nên hạn chế sử dụng. Vd như: đường có trong các loại bánh kẹo, các loại đồ uống có gas, thức ăn nhanh, hoa quả sấy khô,…

Bên cạnh các loại thực phẩm nên hoặc hạn chế sử dụng, để thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt hơn, bệnh nhân đái tháo đường cần lưu ý những điều sau đây:

  • Số bữa ăn nên được chia nhỏ ra khoảng 5-6 bữa / ngày. Trong đó ngoài 3 bữa ăn  chính là bữa sáng, trưa, chiều thì còn cần 2-3 bữa phụ. Điều này giúp bệnh nhân tránh được tình trạng đường huyết tăng cao nhiều sau một bữa ăn quá no, đồng thời cũng giúp phòng ngừa hiện tượng hạ đường huyết do khoảng cách giữa 2 bữa ăn kéo dài.

Bữa ăn nên có đủ các nhóm thực phẩm như nhóm bột đường, nhóm đạm (thịt, cá, trứng, đậu hũ), nhóm chất béo và nhóm chất xơ (rau củ quả, đậu, ngô)- giúp đường được hấp thu vào máu từ từ.

Thực đơn nên có nhiều loại đa dạng, thay đổi món thường xuyên. Số lượng thực phẩm vừa đủ với nhu cầu cơ thể, sao cho giữ cân nặng hợp lý.

Nên bổ sung nhiều rau xanh trong khẩu phần ăn hằng ngày vì trong rau xanh có nhiều chất xơ, giúp ổn định chỉ số đường huyết.

Một số loài cá như cá hồi giàu chất béo omega-3 có lợi cho tim mạch của người bệnh ĐTĐ, giúp phòng ngừa các biến chứng ĐTĐ liên quan đến tim mạch. Các chất béo tốt như MUFA, PUFA, DHA không chỉ tốt cho hệ tim mạch mà còn rất tốt giúp chống lại các bệnh về huyết áp hoặc mỡ máu.

Nên sử dụng các loại sữa ít chất béo, có chứa đường palatinose và chất xơ hòa tan, không làm đường huyết tăng nhanh sau khi ăn.

Một số loại thức ăn đặc biệt mà người bệnh ĐTĐ nên tránh bao gồm các loại protein có hại như các loại thịt đóng hộp, thịt xông khói, các loại thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn giàu đạm, muối và đường. Tương tự với các loại trái cây đóng hộp, trái cây sấy khô cũng là thức ăn mà người bệnh tiểu đường nên tuyệt đối tránh.

Ngoài ra, người bệnh và người thân của bệnh nhân cũng nên chú ý đến cách chế biến thực phẩm. Nên dùng các món luộc, hấp,…và hạn chế các món chiên, xào, kho, rim,…vì sẽ làm tăng chỉ số đường huyết của thực phẩm.

Kết luận:

Bệnh đái tháo đường là một bệnh mạn tính mà dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị. Để kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh không nhất thiết phải “kiêng khem” quá mức các thức ăn ngọt hay nhiều chất bột đường như mọi người từng nghĩ. Hiểu rõ được tầm quan trọng của dinh dưỡng điều trị, biết cách phân bố bữa ăn hợp lý và lựa chọn thực phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn hằng ngày, người bệnh ĐTĐ vẫn có thể xây dựng được các thực đơn đa dạng, phong phú với đầy đủ các nhóm thực phẩm mà vẫn duy trì được mức đường huyết ổn định lâu dài.

Ngoài ra, điều trị ĐTĐ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa dinh dưỡng với việc tuân thủ dùng thuốc và chế độ luyện tập thể dục phù hợp. Như vậy, bệnh nhân sẽ kiểm soát tốt căn bệnh và phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm về sau.

Người bệnh ĐTĐ sẽ vẫn đạt được chất lượng cuộc sống hoàn toàn như người bình thường.

BS.CK1. Lưu Thị Thanh Tâm