Xin đừng ném đá những người làm Y nữa!
Người ta thường mặc định : Bác sĩ phải thanh cao, phải là mẹ hiền. Còn bác sĩ phải học phải làm trong môi trường căng thẳng thế nào và lãnh lương ra sao ... Mặc kệ.
Lũ bác sĩ chúng mày là chó chứ từ mẫu gì? Chúng mày có tin tao chém nát sọ chúng mày không? ĐM. Tao nhậu xong, mệt, muốn vào truyền nước biển mà chúng mày làm khó dễ bắt nhập viện. Tao chém.
Đó là một trong những lời thoá mạ của bệnh nhân tên X, 40 tuổi vào phòng cấp cứu lúc 23 giờ đêm hôm qua dành cho mình và tua trực. Điều dưỡng Khôi nhanh chóng bấm chuông gọi bảo vệ và công an. Bệnh nhân đang hùng hổ với con dao bấm trên tay, nhác thấy bóng công an liền bỏ chạy.
Cả đêm, ai cũng lo sợ vừa cấp cứu bệnh nhân khác vừa ngó dáo dác xem bệnh nhân X có quay trở lại chém giết trả thù vì báo công an, trong khi cửa phòng cấp cứu luôn luôn mở rộng.
Những khi như thế, nhân viên y tế tụi mình biết kêu cứu với ai, thưa kiện với ai, hay chỉ biết âm thầm chịu đựng, và nói với nhau rằng : Đó chỉ là một trường hợp cá biệt. Đó chỉ là một người say.
Nhưng chẳng lẽ hễ say là muốn làm gì thì làm? Hễ có bệnh đến bệnh viện là được quyền khó chịu, cáu gắt hay có thái độ không đúng với nhân viên y tế? Và nhân viên y tế nào cũng phải lễ phép, chịu đựng?
Sáng nay mình lên facebook thấy bạn chia sẻ một link là bộ giáo dục cho phép một trường đại học kinh doanh nào đó được phép đào tạo bác sĩ. Bạn viết : "Chẳng mấy chốc nhà nhà đều có bác sĩ. Mình không hiểu vì lý do gì người ta thích làm bác sĩ. Có những gia đình bằng mọi giá phải cho con em học Y. Không vô được Đại Học Y Dược TP HCM, thì vô Phạm Ngọc Thạch. Còn nếu không nữa thì chạy về Cần Thơ, Huế. Và khi Cần Thơ, Huế không được nữa thì chạy lên Y Tây Nguyên."
Mình không dám bình luận về những điều bạn viết. Bởi vì ai cũng có ước mơ, ước mơ trở thành bác sĩ thật đẹp bởi Nghề Y là nghề cao quí. Nghề Y là nghề cứu người. Nhưng để thành một bác sĩ thực thụ không dễ và không giống như những gì người ta tưởng tượng.
Có hàng trăm con đường đi, không đi thẳng được thì đi vòng. Nhưng nếu không có chuyên môn vững, giá phải trả là mạng người. Có nhiều khi pháp luật không sờ tới được, nhưng luật nhân quả thì luôn công bằng!
Học bác sĩ đa khoa 6 năm. Ra trường làm 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề hay mới được đăng kí chữ kí. Và thêm 2 đến 6 năm nếu học sau đại học để có bằng chuyên khoa 1, 2. Ở đây mình nói học trơn tru, không gặp rắc rối khó khăn nào hay bị ở lại. Có nhiều người để có được bằng tiến sĩ phải mất thời gian là 10 năm. Thời gian học và nghiên cứu khoa học dài lắm và khổ lắm.
Đó là chuyện học chứ chưa kể chuyện làm. Chuyện làm thì kể đến sáng mai chưa dứt những nghiệt ngã...
Nào là luôn đối mặt với những bệnh nhiễm như HIV, viêm gan, lao .... Nào là sống trong môi trường độc hại tia X, hoá chất, máu và chất thải của bệnh nhân ... Nào là bệnh nhân đòi hỏi vô lí, bác sĩ mà không đáp ứng thì bị chửi bới hành hung ...
Và bạn biết không, tổng lương thưởng ABC của một bác sĩ chuyên khoa 2, kiêm chức vụ trưởng khoa bệnh viện loại 1 thành phố chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Còn bác sĩ bình thường 6 triệu, thì bạn có hụt hẫng, thì bạn có dám dấn thân hay để con em dấn thân.
Để đủ tiền trang trải cuộc sống, họ phải làm thêm phòng mạch, trực gác thuê...
Và một ngày đẹp trời nào đó, sau khi điều trị bệnh nhân hết bệnh, bệnh nhân đến gửi một phong bì nhỏ để cám ơn kèm theo một cờ líp "hối lộ" tung lên mạng ... Xem như chấm dứt cuộc đời!
Bởi người ta mặc định : Bác sĩ phải thanh cao, phải là mẹ hiền. Còn bác sĩ phải học phải làm trong môi trường căng thẳng thế nào và lãnh lương ra sao ... Mặc kệ.
Bạn ạ. Trong cuộc sống vẫn xảy ra những điều vô lí như vậy. Hôm trước cô mình, phó giáo sư tiến sĩ dạy rằng : Nếu nghề mình mà đem so sánh với những nghề khác thì còn gì ý nghĩa. Cứ sống và làm việc với trái tim nóng và cái đầu lạnh. Thời gian sẽ trả lời cho tất cả.
Mình tin điều đó. Thời gian sẽ trả lời cho tất cả. Vì bên cạnh những điều tồi tệ bất công, vẫn còn những điều tốt đẹp để tin yêu và hy vọng.
Khi biết ba mình bệnh phải mổ, có rất nhiều bệnh nhân đến nhà thăm gửi phong bì cho bác sĩ, giúp đỡ bác sĩ một phần chi phí điều trị. Những phong bì ấy là tình nghĩa... Chứ không phải là đổi chác mua bán. Bởi chẳng ai có thể mua được lòng tốt, sự tử tế của người khác bao giờ! Xin đừng ném đá những người làm Y nữa!