Kỹ thuật ghép tạng Việt Nam vươn tầm thế giới
Với những nỗ lực nghiên cứu và nhiệt huyết với nền y học nước nhà, trong những năm vừa qua, các nhà khoa học Việt Nam đã giúp hàng ngàn người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần từ phương pháp ghép tạng. Kết quả, các chuyên gia thế giới đã công nhận kỹ thuật ghép tạng Việt Nam là thường quy và đạt đến tầm quốc tế.
Ngày 26/3, Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC.10 giai đoạn 2011 - 2015 đã tổ chức hội nghị tổng kết để đánh giá công tác nghiên cứu và ứng dụng các đề tài vào thực tế.
Những thành quả đã đạt được
Việt Nam đã có 53 đề tài Y, Dược được nghiên cứu và ứng dụng trong thực tế. Đặc biệt, kỹ thuật ghép tạng mặc dù đi sau thế giới 50 năm, nhưng với sự nỗ lực vượt bậc,các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được trình độ tương đương thế giới.
Kết quả,Việt Nam đã ghép được đa tạng, ghép tim, gan là những bộ phận quan trọng và rất khó trong kỹ thuật ghép tạng. Theo thống kê, trong tháng 12/2015, cả nước đã thực hiện gần 100 ca ghép thận. Không chỉ vậy, nhiều kỹ thuật mổ nội soi, can thiệp tim mạch của Việt Nam đã được các quốc gia mời chuyên gia Việt Nam sang mổ trình diễn hoặctrực tiếp sang học tập tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, Việt Nam còn là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới nghiên cứu, sản xuất vaccine Rotavirus dạng uống phòng tiêu chảy cho trẻ và được Trung tâm kiểm soát & phòng dịch Hoa Kỳ kiểm định tính an toàn và hiệu lực. Trong thời gian tới, vaccine này sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và được sản xuất để xuất khẩu ra thế giới.
Với những nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, kỹ thuật ghép tạng Việt Nam đã vươn lên tầm thế giới. Qua đó, cứu giúp những người mắc bệnh hiểm nghèo có thể hồi sinh từ các bộ phận đã được hiến tặng.
Tổng hợp