Tra cứu thông tin bệnh nhân
Mã bệnh nhân bao gồm 7 đến 9 chữ số
Họ và tên
Họ và tên lót phải nhập Tiếng Việt có dấu
Tên phải nhập Tiếng Việt có dấu
Năm sinh bao gồm 4 chữ số. Ví dụ: 1990

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Cắt giảm những chi phí không cần thiết

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Cắt giảm những chi phí không cần thiết

Suckhoedoisong.vn - Chiều nay 9/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Y tế về một số vấn đề liên quan đến chính sách BHYT, đấu thầu tập trung thuốc, xã hội hóa y tế...

Tháng 5/2018 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ đã triển khai, về điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT tại Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất đến tháng 5/2018 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37 theo hướng dẫn nội dung thanh toán chi phí KCB của một số dịch vụ (khám bệnh, ngày giường bệnh, X-Quang, CT, MRI, siêu âm thường, nội soi tai mũi họng) đối với các đơn vị có số lượng dịch vụ vượt định mức hoặc công suất tính giá theo Thông báo kết luận số 798/TB-BYT-BHXH ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng và Tổng giám đốc BHXH Việt Nam; Biên bản số 1135/BB-BYT ngày 24/10/2017 của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Thời điểm thực hiện kể từ 01/01/2017.

Khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh, trước mắt là giá khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ, như X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi TMH, YHCT, xét nghiệm.

Giai đoạn 2, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam sẽ khảo sát tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000-3.000 dịch vụ. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tính ngày điều trị nội trú theo hướng: (1) các trường hợp nặng phải chuyển tuyến hoặc chuyển tuyến dưới, chuyển sang cơ sở khác; số ngày điều trị = ngày ra – ngày vào + 1; (2) còn các trường hợp còn lại số ngày điều trị = ngày ra – ngày vào; quy định giường điều trị ban ngày.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

 

Thông tư 37 là Thông tư liên tịch Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định mức giá KCB BHYT thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc, mức giá bao gồm (1) chi phí trực tiếp và (2) tiền lương; chưa tính (3) chi phí quản lý và (4) khấu hao tài sản. Đây là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế quy định tại Nghị định 16 của Chính phủ; góp phần làm tăng tỷ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện (TP Hồ Chí Minh giảm khoảng 1.200 tỷ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỷ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỷ đồng, Bình Định 110 tỷ đồng,…).

Mặc dù Thông tư ban hành 2015 nhưng phần lớn chi phí trực tiếp theo Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-TC, xây dựng từ 2011, từ đó đến nay giá đầu vào tăng, điện từ 1.310 đồng/KWh lên 1.713 đồng, nước 6.270 đ/m3 lên 11.148 đồng, xử lý nước thải y tế 2011 mới tính 3.135 đ/m3, hiện nay chi phí thực tế và thuê bình quân 15.000 đồng...; công suất sử dụng, lương cơ sở tại thời điểm 2015 là 1.150.000 đồng, nay 1.300.000 đồng, từ 01/7/2018 là 1.390.000 đồng. Các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về dự toán 2018 đề nghị các đơn vị có thu phải tự bảo đảm tiền lương tăng thêm khi tăng lương tối thiểu.

Thực tế thực hiện có một số đơn vị có lượt khám bệnh/01 bàn khám cao hơn định mức số lượt khám tính giá (tuyến huyện do thông tuyến từ 01/01/2016); một số đơn vị có tỷ lệ sử dụng giường bệnh thực tế cao hơn số giường kế hoạch; số lượt chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi TMH cao hơn định mức tính giá. BHXH Việt Nam cho rằng các đơn vị này chỉ định người bệnh điều trị nội trú, sử dụng dịch vụ bất hợp lý, coi đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây nên bội chi quỹ BHYT, có công văn 5040/BHXH-CSYT ngày 10/11/2017, công văn 644/BHXH-CSYT ngày 27/02/2018 đề nghị điều chỉnh giá một số dịch vụ bằng 70%-80% mức giá hiện nay.

Thông tư 37 là do Liên bộ Y tế - Tài chính ban hành, dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật được liên bộ khảo sát, xây dựng, có Hội đồng thẩm định, Bộ Y tế ban hành theo đúng trình tự quy định tại Thông tư 25 của Bộ Tài chính về phương pháp xây dựng giá, tại Nghị định 177 hướng dẫn Luật giá.

Nguyên nhân cơ bản gây bội chi Quỹ BHYT là do mức đóng thấp, chưa phù hợp với chi phí KCB vì: mức đóng trước đây là 3% lương phù hợp với mức thu một phần viện phí; mức đóng 4,5% lương phù hợp với mức giá chỉ tính chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương. Khi xây dựng và ban hành Luật BHYT cũng đã tính toán và dự báo mức đóng phải là 6% lương thì mới phù hợp với mức giá tính đủ chi phí nên đã quy định mức đóng tối đa là 6% lương (nhiều nước có thu nhâp rất cao nhưng mức đóng BHYT cũng từ 9-13% lương).

Do chưa điều chỉnh mức đóng BHYT nên để quản lý, sử dụng quỹ có hiệu quả, bảo đảm cân đối Quỹ BHYT, Bộ Y tế cũng đồng thuận điều chỉnh một số mức giá, ví dụ như giá khám bệnh và một số dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi do công suất tăng, một số xét nghiệm có chi phí vật tư giảm do đấu thầu. Bộ Y tế và Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã có nhiều cuộc họp để bàn và triển khai việc sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh giá tại Thông tư 37.

Hiện nay, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đang khảo sát công suất khám bệnh thực tế, công suất các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, chi phí của một số xét nghiệm để tính toán và điều chỉnh lại giá cho phù hợp.

Điều chỉnh giá dịch vụ, Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối đến 2020

Về đấu thầu, đàm phán giá thuốc và đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, Bộ Y tế cho biết, Quý I/2018 có 14 tỉnh thực hiện giá KCB có tiền lương cho đối tượng không có BHYT, làm CPI tăng 1,32% so với cùng kỳ, tăng 0,09% so với 12/2017.

Từ 01/7/2018 sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ. Trong năm 2018 xây dựng, ban hành mức giá KCB, gồm chi phí trực tiếp (theo định mức đã rà soát, giá vật tư, hóa chất tại thời điểm tính giá), tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đ), và chi phí quản lý.

Dự kiến mức giá sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5-8%, tác động đến CPI khoảng 0,41% (do điều chỉnh theo lương cơ sở 1.390.000 đ là 0,14%, đưa chi phí quản lý là 0,27%). Do đó nếu CPI chung 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Về tác động đến Quỹ BHYT: sau khi bù trừ giữa giá tăng, giá giảm theo Bộ Y tế, dự kiến làm tăng chi quỹ BHYT khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng/năm, nếu thực hiện cuối năm, làm nhiều đợt thì tăng không nhiều, đồng thời thực hiện tốt việc đấu thầu giá thuốc giảm khoảng 15%, điều chỉnh lại cách tính ngày giường bệnh, quản lý chặt chẽ việc chỉ định thì Quỹ BHYT tăng chi không nhiều. Số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng, quỹ vẫn có khả năng cân đối đến 2020.

 

Về đấu thầu, đàm phán giá thuốc và đấu thầu vật tư, thiết bị y tế, đến nay Bộ Y tế, các Bộ, địa phương, đơn vị đã đấu thầu theo các Thông tư của Bộ Y tế, Luật đấu thầu, Nghị định 63 của Chính phủ. 63/63 tỉnh, thành phố đã đấu thầu tập trung, nhiều tỉnh đã đấu thầu tập trung hầu hết các loại thuốc, một số tỉnh đã đấu thầu tập trung một số loại vật tư, hóa chất sử dụng lớn.

Về đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Bộ Y tế đã hoàn thành đấu thầu tập trung 5 hoạt chất với 22 thuốc (5 thuốc biệt dược, 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018 -2019. Đây là thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị, số lượng.

Tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng (xây dựng dựa trên việc tham khảo giá thuốc trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế), giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, giảm được 477 tỷ đồng (giảm khoảng 17,37% so với giá kế hoạch. trong đó, biệt dược giảm 114,3 tỷ đồng, khoảng 6,9%, thuốc generic giảm 362,7 tỷ đồng, khoảng 33%).

Bộ Y tế cho biết, việc xã hội hoá đầu tư, liên doanh, liên kết trang thiết bị đã đạt được một số kết quả.  Trong thời gian tới, nhu cầu xã hội hóa, huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập là rất lớn vì nhu cầu đầu tư lớn (riêng một số BV thuộc Bộ khoảng 19.000 tỷ đồng, BV K khoảng 600 tỷ đồng TTB, Bạch Mai hơn 200 tỷ đồng) nhưng Kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm, trung hạn 2016-2020 của Bộ Y tế, các địa phương cho lĩnh vực y tế thấp (năm 2017 Bộ Y tế chỉ được giao 564,9 tỷ đồng, năm 2018 là 655 tỷ đồng), chủ yếu cho xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, có rất ít dự án đầu tư thiết bị và mức vốn cũng rất thấp chỉ 20-30 tỷ đồng/dự án. Mặt khác chủ trương thời gian tới là ưu tiên ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở; các bệnh viện có điều kiện phải xã hội hóa, huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư.

Bên cạnh đó, nhu cầu thiết bị để phát triển kỹ thuật, thay thế một số thiết bị đã đầu tư từ ngân sách nhưng hết thời gian sử dụng và chưa có nguồn đầu tư; một số thiết bị đang thực hiện theo hình thức liên doanh, liên kết đã sắp hết hạn nên cần phải tiếp tục xã hội hóa để có thiết bị thay thế, phục vụ hoạt động chuyên môn....

 

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong ban hành quy định về bảo hiểm y tế, phối hợp chặt chẽ với các bộ trong quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng Nghị định số 105 liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, cơ cấu Quỹ BHYT, điều chỉnh mệnh giá BHYT, thực hiện các quy định của Luật BHYT còn chưa được sửa đổi kịp thời theo yêu cầu của Chính phủ.

Theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, vào đầu tháng 4/2018, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã nhóm họp với các Bộ Tư pháp, Tài chính để thống nhất việc sửa đổi Nghị định số 105 và đi tới thống nhất 7 nội dung, trong đó có các nội dung đáng quan tâm như: Không quy định người lao động là người nước ngoài phải bắt buộc tham gia BHYT, thống nhất ngân sách chi trả khám chữa bệnh BHYT cho trẻ từ khi sinh ra tới đủ 72 tháng.

Về mức hưởng BHYT khi người bệnh khám chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được chuyển lên tuyến trên được xác định là không đúng tuyến thì được thanh toán theo mức khám, chữa bệnh không đúng tuyến. Theo các bộ, Nghị định sửa đổi Nghị định số 105 phải quy định rõ nội dung này để người bệnh có ý thức hơn trong khám chữa bệnh BHYT ở tuyến cơ sở, thúc đẩy tuyến cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, vẫn còn 4 nội dung mà các bộ chưa thống nhất trong việc sửa đổi Nghị định 105 về hợp đồng khám, chữa bệnh giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội, về thanh toán trong một số trường hợp cụ thể, mức hưởng bảo hiểm y tế và điều kiện của giám định viên BHYT.
Đồng tình với các ý kiến thống nhất và một số kiến nghị của các bộ, ngành trong hoàn thiện, khắc phục các khác biệt khi sửa đổi Nghị định 105, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Y tế hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Chính phủ vào giữa tháng 4/2018.

Về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế (bước 2 - tính lương vào giá) thời gian qua là hợp lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế và góp phần đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở khám chữa bệnh. Do đó, việc điều chỉnh lại giá dịch vụ y tế phải bảo đảm tương xứng, cân đối giữa mức đóng BHYT và phạm vi, quyền lợi được hưởng do Quỹ BHYT chi trả, tuân thủ nguyên tắc đóng-hưởng khi mà từ nay tới năm 2020 Chính phủ chưa có chủ trương tăng mệnh giá BHYT.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, cơ quan: Y tế, Tài chính, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, cắt giảm những chi phí không cần thiết trên cơ sở tính toán khoa học giữa mức đóng BHYT với quyền lợi, phạm vi được hưởng BHYT và tỉ lệ đồng chi trả khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Ngoài ra, các cơ quan cần có cơ chế kiểm soát hiện tượng lạm dụng, lợi dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược; kiểm soát tốt đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, tăng cường y tế dự phòng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và cho biết Bộ đang khẩn trương xem xét lại và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc...

D.Hải

Nguồn tin : Báo SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG